Gà Sao

KỸ THUẬT NUÔI GÀ SAO
Còn có tên khác: Gà Lôi Châu Phi
Những năm gần đây, tại một số tỉnh Thanh Hoá, Tiền Giang... rộ lên phong trào nuôi gà Sao bởi giống gà nàycó chi phí tương đối thấp, nhẹ vốn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giúp bà con xoá nghèo và làm giàu. Gà Sao bắt nguồn từ gà rừng, theo cách phân loại gà sao thuộc lớp Aves, bộ Gallformes, họ Phasiani, giống Numidiae, loài Helmeted. 

I. Đặc điểm sinh học 
1. Đặc điểm ngoại hình 


Cả 3 dòng gà Sao đều có ngoại hình đồng nhất. Ở 1 ngày tuổi gà Sao có bộ lông màu cánh sẻ, có những đường kẻ sọc chạy dài từ đầu đến cuối thân. Mỏ và chân màu hồng, chân có 4 ngón và có 2 hàng vảy. Giai đoạn trưởng thành gà Sao có bộ lông màu xám đen, trên phiến lông điểm nhiều những nốt chấm trắng tròn nhỏ. Thân hình thoi, lưng hơi gù, đuôi cúp. Đầu không có mào mà thay vào đó là mấu sừng, mấu sừng này tăng sinh qua các tuần tuổi, ở giai đoạn trưởng thành, mấu sừng cao khoảng 1,5-2cm. 

Mào tích của gà Sao màu trắng hồng và có 2 loại: một loại hình lá dẹt áp sát vào cổ, còn một loại hình lá hoa đá rủ xuống. Da mặt và cổ gà Sao không có lông, lớp da trần này có màu xanh da trời, dưới cổ có yếm thịt mỏng. Chân khô, đặc biệt con trống không có cựa. 

2. Phân biệt trống mái 
Việc phân biệt trống mái đối với gà Sao rất khó khăn. Ở 1 ngày tuổi phân biệt trống mái qua lỗ huyệt không chính xác như các giống gà bình thường. 


Đến giai đoạn trưởng thành con trống và con mái cũng hoàn toàn giống nhau. 
Tuy nhiên, người ta cũng phân biệt được giới tính của gà Sao căn cứ vào sự khác nhau trong tiếng kêu của từng cá thể. Con mái kêu 2 tiếng còn con trống kêu 1 tiếng, nhưng khi hoảng loạn hay vì một lý do nào đó thì cả con trống và con mái đều kêu 1 tiếng nhưng không bao giờ con trống kêu được 2 tiếng như con mái. Ta có thể nghe thấy tiếng kêu của gà khi được 6 tuần tuổi. Ngoài ra sự phân biệt trống mái còn căn cứ mũ sừng, mào tích, nhưng để chính xác khi chọn giống người ta phân biệt qua lỗ huyệt khi gà đến giai đoạn trưởng thành. 

3. Tập tính của gà Sao 
- Trong hoang dã gà Sao tìm kiếm thức ăn trên mặt đất, chủ yếu là côn trùng và những mẩu thực vật. Thông thường chúng di chuyển theo đàn khoảng 20 con. Về mùa đông, chúng sống từng đôi trống mái trong tổ trước khi nhập đàn vào những tháng ấm năm sau. Gà Sao mái có thể đẻ 20-30 trứng và làm ổ đẻ trên mặt đất, sau đó tự ấp trứng. Gà Sao mái nuôi con không giỏi và thường bỏ lạc đàn con khi dẫn con đi vào những đám cỏ cao. Vì vậy trong tự nhiên, gà Sao mẹ thường đánh mất 75% đàn con của nó. 
- Trong chăn nuôi tập trung, gà Sao vẫn còn giữ lại một số bản năng hoang dã. Chúng nhút nhát, dễ sợ hãi, hay cảnh giác và bay giỏi như chim, khi bay luôn phát ra tiếng kêu khác biệt. Chúng sống ồn ào và hiếm khi ngừng tiếng kêu. 
- Gà Sao có tính bầy đàn cao và rất nhạy cảm với những tiếng động như: mưa, gió, sấm, chớp, tiếng cành cây gãy, tiếng rơi vỡ của đồ vật. Đặc biệt gà Sao khi còn nhỏ rất sợ bóng tối, những lúc mất điện chúng thường chồng đống lên nhau đến khi có điện gà mới trở lại hoạt động bình thường. Vì vậy cần hết sức chú ý khi nuôi gà Sao để tránh stress có thể xảy ra. Gà Sao thuộc loài ưa hoạt động, ban ngày hầu như chúng không ngủ, trừ giai đoạn gà con. Ban đêm, chúng ngủ thành từng bầy. 

4. Hiện tượng mổ cắn 
Do quá linh hoạt mà gà Sao rất ít mổ cắn nhau. Tuy nhiên chúng lại rất thích mổ những vật lạ. Những sợi dây tải, hay những chiếc que nhỏ trong chuồng, thậm chí cả nền chuồng, tường chuồng. Do vậy thường làm tổn thương đến niêm mạc miệng của chúng, vì vậy trong chuồng ta không nên để bất cứ vật gì ngoài máng ăn, máng uống, nền, tường chuồng phải làm chắc chắn. 

5. Tập tính tắm, bay và kêu 
Gà Sao bay giỏi như chim. Chúng biết bay từ sáng sớm, 2 tuần tuổi gà Sao đã có thể bay. Chúng có thể bay lên cao cách mặt đất từ 6-12m. Chúng bay rất khoẻ nhất là khi hoảng loạn. Gà Sao cũng có nhu cầu tắm nắng, gà thường tập trung tắm nắng vào lúc 9-11h sáng và 3-4 giờ chiều. Khi tắm nắng gà thường bới một hố cát thật sâu rồi rúc mình xuống hố, cọ lông vào cát và nằm phơi dưới nắng. 

6. Tập tính sinh dục 
Các giống gà khác khi giao phối thường bắt đầu bằng hành vi ghẹ gà mái của con trống, đó chính là sự khoe mẽ. Ngoài ra, chúng còn thể hiện sức mạnh thông qua tiếng gáy dài nhưng ở gà Sao lại không như vậy, chúng không bộc lộ tập tính sinh dục rõ ràng ngay cả người chăn nuôi hàng ngày cũng khó phát hiện thấy. Gà Sao mái thì đẻ trứng tập trung, khi đẻ trứng xong không cục tác mà lặng lẽ đi ra khỏi ổ. 

II. Kỹ thuật nuôi gà Sao 
1. Đưa đàn gà mới nở về nuôi 

- Nuôi đàn gà Sao bố mẹ từ 1 ngày tuổi đến khi 5% tổng đàn đẻ là giai đoạn quan trọng nhất để nâng cao khả năng sản xuất trứng sau này. Phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi gà giống để đảm bảo cho đàn gà khoẻ mạnh và sinh trưởng đồng đều. Cần phải nuôi gà trống trong chuồng riêng biệt với chuồng gà mái. Cần xác định trước số lượng gà sẽ úm để chuẩn bị đủ diện tích chuồng, đủ máng ăn, máng uống. Trong trường hợp sưởi nhân tạo thì phải làm vòng quây gà con có đường kính 3 - 4 m, cao 0,5 m. Nếu dùng chụp sưởi bằng tia bức xạ thì đường kính vòng quây phải rộng 5 - 6 m. Phải điều chỉnh thiết bị sưởi sao cho nhiệt độ ổ gà đạt 29 – 30 độ C. Mùa đông có thể sưởi ấm chuồng 48 giờ, mùa hè 24 giờ trước khi đàn gà đến.Cần kiểm tra hệ thống van nước uống trong chuồng, có sử lý bằng clo. Trước khi đàn gà đến cần đổ nước ống có nhiệt độ 25 độ C vào máng uống.Khi đặt gà vào chuồng cho gà uống nước và sau 1 - 2 giờ mới bắt đầu cho ăn, không được làm đàn gà xáo trộn, đè bẹp lẫn nhau, phải làm cho chúng quen với môi trường mới và phát hiện thấy máng ăn, uống. Trong 10 ngày đầu, cần đảm bảo mỗi khay máng ăn nhựa cho 100 con gà con. Trong vòng 1 - 2 giờ sau khi chuyển gà vào chuồng. Khi đàn gà được 8 - 10 tuần tuổi, cần lắp đặt cầu cho gà đậu ở trong chuồng. Mỗi cái cầu dài 1 m dành cho 15 con đậu. 

* Những lưu ý về sưởi ấm và thông hơi: Ngày đầu sau khi đưa gà đến, cần đảm bảo nhiệt độ trong vòng quây gà úm là 38 độ C, trong chuồng là 28 độ C. Nhu cầu nhiệt độ thay đổi theo lứa tuổi của gà. Số lượng gà con đặt dưới chụp sưởi truyền thống tối đa là 500 con, nếu dùng chụp sưởi tia bức xạ thì nhốt được 1.000 con. Cứ 4 ngày một lần giảm nhiệt độ thấp xuống 2 độ C. Giai đoạn 14 - 21 ngày tuổi, gà con bắt đầu phân tán khắp chuồng, cho nên việc quan tâm điều chỉnh đều nhiệt độ điều chỉnh trong chuồng là rất cần thiết, có thể bỏ dần số chụp sưởi đi. Trong những ngày đầu, nếu không đủ nhiệt, gà con bị ỉa chảy, yếu, chậm lớn và dễ bị chết vì lạnh. Nếu đủ nhiệt, gà con nằm tản đều dưới vùng sưởi ấm. Nếu quá nóng, gà nằm xoài úp bụng trên nền chuồng, cố nghển cổ, thò đầu ra hoặc chúng cố tìm chỗ mát hơn như dọc tường để nằm. Gà kém ăn, chậm lớn, còi cọc, chết nhiều. 

2. Cho gà uống nước và kỹ thuật xử lý nước uống 

* Chất lượng nước uống 
Phải đảm bảo thường xuyên có nước uống có chất lượng tốt cho gà Sao. Đặc biệt, trong nước uống phải an toàn về vi khuẩn Salmonella. 
* Cho gà uống nước 
Nước là chất dinh dưỡng quan trọng nhất, chúng ta phải đảm bảo đầy đủ cho chúng vì nước chiếm 70% khối lượng cơ thể. Nước uống hạn chế sẽ làm giảm khả năng hấp thụ thức ăn và sinh trưởng của chúng. Nếu trời nóng, không đủ nước uống gà có thể bị chết. Cần khử trùng nước uống bằng clo hoặc iốt. 
Cần sử dụng đồng hồ đo nước uống hàng ngày của đàn gà để xác định khả năng tiêu thụ nước của chúng. Việc điều chỉnh độ cao của van nước uống là cực kỳ quan trọng. Trong 2 ngày đầu, máng nước để cao ngay tầm mắt của gà, đến ngày thứ 3 nâng van nước lên để gà ngẩng lên uống nước với góc 450. Đến ngày thứ 4 gà phải nghển cổ lên mới uống được. Đến ngày thứ 7 cần sử dụng van nước tự động và đặt ở tầm cao ngang lưng. Sau đó điều chỉnh van nước cao lên, đảm bảo gà hạn chế không làm bắn nước ra ngoài. Máng nước hở phải có mực nước cao tối đa 2 cm hàng ngày cần tháo nước rửa sạch. 

3. Giảm streess trong nuôi dưỡng gà 
Nguyên tắc cơ bản của việc nuôi dưỡng gà mái Sao là chương trình chờ hạn chế, nhằm mục đích để đàn gà mái phát triển đều. Để kiểm tra chỉ tiêu này, cứ 2 tuần một lần phân ngẫu nhiên khoảng 100 con để cân mẫu. Tuỳ thuộc vào thể trọng của đàn gà để điều chỉnh khẩu phần ăn hàng tuần cho phù hợp. 

4. Chương trình chiếu sáng 
Trong vòng 3 ngày đầu úm gà, việc bổ sung ánh sáng tự nhiên là cực kỳ quan trọng nhằm để cho gà con tìm thấy khay thức ăn, máng nước uống. Vì vậy phải bảo đảm ánh sáng có cường độ tối thiểu là 30 lux và chiếu sáng 24 giờ trong ngày. Từ ngày thứ 4 đến ngày 7 cần chiếu sáng 20 giờ/ngày và đến cuối tuần chỉ cần chiếu sáng 16 giờ/ngày. Đến cuối tuần thứ 2 thì chương trình chiếu sáng cho gà trống, mái bắt đầu khác nhau. 

5. Chuẩn bị đàn gà giống sinh sản 
Đàn gà Sao được 25 tuần tuổi thì được chuyển sang các lồng chuồng đẻ trứng. Nếu áp dụng biện pháp nuôi dưỡng và chương trình chiếu sáng phù hợp thì gà sẽ đẻ trứng từ tuần tuổi thứ 28 và 50% tổng đàn sẽ đẻ vào lúc 31 - 32 tuần tuổi. Đàn gà đẻ ở mức tột đỉnh thường vào tuần tuổi thứ 35. Số gà đẻ nhốt trong một lồng chuồng phụ thuộc vào kích thước của lồng. Cần đảm bảo vị trí nuôi nhốt cho một con gà Sao ở ngăn lồng có mặt trước tối thiểu là 12,5 cm. Nhiệt độ trong chuồng phù hợp cho gà mái đẻ trứng và gà trống sản xuất tinh trùng là 20 độ C.Trong giai đoạn sinh sản, nếu nhiệt độ trong chuồng là 12 độ C, cần cho gà ăn thức ăn chứa 2.700 - 2.750 kcal và 17% prôtêin thô. Điều cực kỳ quan trọng là: Trước khi đẻ trứng không được cho gà mái ăn quá nhiều. Trước khi đẻ trứng, nếu gà béo quá, thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến năng suất trứng và sức sống của chúng. Sau khi gà đẻ trứng ở mức cao điểm, cần giảm khẩu phần ăn kiểm tra mức tăng trọng hàng tuần của gà, trong cùng một ngày và cùng một thời điểm, chọn ngẫu nhiên khoảng 100 con gà để cân cá thể và điều chỉnh khẩu phần ăn khi cần thiết. Khẩu phần ăn cần thiết phụ thuộc vào thể trọng, nhiệt độ chuồng nuôi. 
Bà con có nhu cầu mua con giống liên hệ với Chúng tôi theo địa chỉ ở phần hỗ tợ Khách hàng trực tuyến! 
Mời Bà con xem video Kỹ thuật chăn nuôi Gà sao:
  



Chúc Bà con thành công !

Chào Bạn đã ghé thăm website! Xin cám ơn Bạn đã quan tâm tới sản phẩm và dịch vụ của Chúng tôi!