Trang

Khả năng sản xuất của giống gà ác Việt Nam

Khả năng sản xuất của giống gà ác Việt Nam  
1.     Đặt vấn đề
Gà ác là một giống gà nội ở nước ta, phổ biến ở các tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long và Miền Đông Nam Bộ, được dùng để bồi dưỡng sức khoẻ như một vị thuốc. Tuy nhiên gà ác còn ít được nuôi và sử dụng ở miền Bắc.
Trước kia đã có một số tài liệu đề cập đến gà ác, nhưng vẫn chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào giới thiệu đầy đủ về giống gà này. Để góp phần bảo tồn và phát triển giống gà  này chúng tôi tiến hành nghiên cứu "Khả năng sản xuất của giống gà ác Việt Nam" nhằm đạt được những yêu cầu sau:
- Xác định một số đặc điểm về giống: ngoại hình, khả năng sinh trưởng và sản xuất thịt, khả năng sinh sản và sản xuất trứng của gà ác.
- Khảo sát khả năng thích ứng của gà ác và phương thức sử dụng gà ác để bồi dưỡng sức khoẻ cho con người tại Miền Bắc - Việt Nam.
2.     Đối tượng, nội dung và phương pháp nghiên cứu
2.1     Khảo sát đàn gà ác nuôi ở Việt Nam
2.1.1     Địa điểm và thời gian khảo sát
- Tại ấp Dinh và ấp Quyết Thắng tỉnh Long An và thành phố Hồ Chí Minh.
- Thời gian: Năm 1996 và 1998
2.1.2     Đối tượng gà khảo sát
- Long An: 2430 gà sinh sản và 9480 gà con.
- Thành phố Hồ Chí Minh: 67 gà sinh sản và 197 quả trứng.
Tất cả đều là gà của các gia đình, nuôi theo phương thức công nghiệp và bán công nghiệp.
2.1.3     Nội dung khảo sát:
- Ngoại hình, sức sống, khả năng sinh trưởng và khả năng sinh sản
- Kỹ thuật chăn nuôi
- Phương pháp sử dụng sản phẩm.
2.2     Nghiên cứu trên đàn gà ác nuôi tại miền Bắc
2.2.1     Địa điểm và thời gian nghiên cứu
- Tại Thuỵ Phương -  Viện Chăn nuôi và các gia đình nuôi gà ác xung quanh Hà Nội; từ tháng 4/1994 đến tháng 12/1998.
2.2.2     Đối tượng gà nghiên cứu
- Nguồn gốc:
Gà ác và trứng gà ác được chọn lọc từ các gia đình tại tỉnh Long An đưa về miền Bắc để nghiên cứu (197 gà sinh sản, 222 gà con và 36.000 gà thịt).
- Chế độ nuôi dưỡng:
+ Viện Chăn Nuôi: theo phương thức chăn nuôi gà công nghiệp.
+ Các gia đình: Nuôi theo phương thức bán công nghiệp.
2.2.3     Nội dung nghiên cứu:

2.2.3.1     Đặc điểm về giống

Đặc điểm về ngoại hình; sức sống và khả năng chống chịu; khả năng sinh trưởng và sản xuất thịt; khả năng sinh sản và sản xuất trứng.

2.2.3.2     Chế biến và sử dụng sản phẩm

Gà ác được hầm với thuốc Bắc và gà ác đóng viên dạng khô. Đồng thời tiến hành xây dựng mạng lưới sản xuất và tiêu thụ gà ác ở miền Bắc.
3.     Kết quả nghiên cứu và thảo luận
3.1     Đàn gà nuôi ở Việt Nam
3.1.1     Ngoại hình
Gà ác có tầm vóc nhỏ, lông xước màu trắng tuyền; da, thịt, xương, mỏ và chân đều đen. Gà trống có mào cờ đỏ thẫm, gà mái mào cờ nhưng nhỏ và đỏ nhạt, tích màu xanh. Chân có lông và 5 ngón (ngũ trảo), nhưng cũng có một số con không có lông chân hoặc chân chỉ có 4 ngón.
3.1.2     Sức sống
Gà ác có sức sống rất cao. Tỷ lệ nuôi sống từ 1 ngày tuổi đến 56 ngày tuổi trung bình đạt 95-98%, cá biệt có đàn đạt 100%.
3.1.3     Khả năng sinh trưởng
Gà ác là gióng gà nội có khối lượng nhỏ nhất trong các giống gà nội Việt Nam, mới nở 16,3-16,5g, 60 ngày tuổi: 229g, 120 ngày tuổi: 639-757g.
3.1.4     Khả năng sinh sản
Gà ác thành thục sinh dục sớm: 110 - 120 ngày. Sản lượng trứng thấp: 70-80 quả/năm. Khối lượng trứng nhỏ: 30,2g. Tiêu tốn thức ăn cho 10 quả trứng ca 3,4kg. Tỷ lệ trứng thụ tinh ca 90%. Tỷ lệ ấp nở nhân tạo thấp: 63,5%.
3.1.5     Kỹ thuật chăn nuôi
Gà ác có thể thích ứng với các phương thức nuôi dưỡng khác nhau:
+ Nuôi quảng canh: gà ác có khả năng kiếm mồi tốt.
+ Nuôi thâm canh: gà ác cũng phát triển tốt.
3.1.6     Phương pháp chế biến và sử dụng sản phẩm
Gà ác thường được dùng để bồi dưỡng sức khoẻ: Gà ác được hầm với thuốc Bắc dùng cho người ốm, trẻ em suy nhược cơ thể, người cao tuổi, sản phụ sau khi sinh (đã thu thập được 10 bài thuốc Bắc để hầm với gà ác).
3.2     Đàn gà nuôi ở miền Bắc
3.2.1     Ngoại hình và kích thước các chiều đo
Ngoại hình gà ác nuôi tại miền bắc tương tự ngoại hình của gà ác khảo sát ở miền nam. Kích thước của gà ác 38 tuồn tuổi, con trống và con mái lần lượt như sau: Dài thân: 16,25cm và 12,90cm; Vòng ngực: 22,12cm và 19,68cm; Dài lườn: 10,13cm và 8,20cm; Dài đùi: 10,50cm và 9,10cm; Dài bàn chân: 7,17cm và 5,92cm; Vòng ống chân: 4,45cm và 3,68cm.
3.2.2     Sức sống và khả năng chống chịu
Gà ác có tỷ lệ nuôi sống cho đến 8 tuần tuổi là 88,28%. Tuần thứ 8 đến tuần thứ 16 tỷ lệ nuôi sống đạt 100%. Gà ác chịu nóng tốt nhưng chịu rét rất kém, đặc biệt là gà con.
3.2.3     Khả năng sinh trưởng và cho thịt

3.2.3.1     Khối lượng cơ thể qua các tuần tuổi

+ Khối lượng tích luỹ của con trống và con mái lần lượt như sau: Mới nở: 16,32g và 17,42g; 7 tuần tuổi: 250,88g và 222,97g; 8 tuần tuổi: 295,71g và 260,21g và 16 tuần tuổi: 724,62g và 565,05g.
+ Tăng khối lượng tuyệt đối:
Khối lượng tuyệt đối tăng dần từ tuần 1 đến tuần 7. Tăng khối lượng cao nhất ở tuần tuổi thứ 9. Sau đó mức độ tăng khối lượng tuyệt đối giảm dần.
ở tuần 1 và tuần 2: tăng khối lượng tuyệt đối của con trống và con mái là ngang nhau. Từ tuần 3 đến tuần 16: tăng khối lượng tuyệt đối của con trống cao hơn con mái.
+ Tăng khối lượng tương đối:
Mức độ tăng khối lượng tương đối của gà ác là cao ở tuần 1, 2, 3: sau đó giảm dần và thấp nhất ở tuần 15.

3.2.3.2     Thức ăn tiêu tốn

Lượng thức ăn ăn được của một con gà ác trong một ngày: 1 tuần tuổi: 4,29g; 7 tuần tuổi: 30,38g; 8 tuần tuổi: 36,24g và 16 tuần tuổi: 85,71g.
Thức ăn tiêu tốn cho 1 kg tăng khối lượng: 1 tuần tuổi: 1,24kg; 7 tuần tuổi: 3,48kg; 8 tuần tuổi: 3,84kg và 16 tuần tuổi: 6,63kg.

3.2.3.3     Khả năng cho thịt và chất lượng thịt gà ác

3.2.4     Khả năng sinh sản và sản xuất trứng của gà ác

3.2.4.1     Tuổi đẻ quả trứng đầu tiên: 113 - 121 ngày.

3.2.4.2     Tỷ lệ đẻ và sản lượng trứng

3.2.4.2.1     Tỷ lệ đẻ
Tháng đẻ thứ nhất: 24,25 - 24,93%. Đẻ đỉnh cao ở tháng đẻ thứ hai: 38,9 - 39,80%. Đến tháng đẻ thứ 20 còn: 9,01 - 9,17%.
3.2.4.2.2     Sản lượng trứng
Trong 1 năm đẻ đầu: 91,29 - 95,30 quả. Từ 23 đến 38 tuần tuổi: 40,33 - 43,01 quả.

3.2.4.3     Khối lượng trứng: 21,23 - 29,93g.

3.2.4.4     Tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng

Tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng của gà ác 2,56kg (1,4 - 3,36 kg). Trong một năm đẻ đầu:
2,53kg. Giai đoạn 23 - 38 tuần tuổi: 2,06kg.

3.2.4.5     Chất lượng trứng

Trứng gà ác có màu trắng, chất lượng trứng ở 38 tuần tuổi, trứng gà ác có tỷ lệ lòng đỏ cao và tỷ lệ lòng trắng thấp còn các chỉ tiêu khác về trứng cũng tương tự như các trứng gà nội.
Hệ số biến dị về chất lượng trứng là trung bình.

3.2.4.6   Tỷ lệ trứng có phôi và ấp nở

Tỷ lệ trứng có phôi và ấp nở của gà ác được trình bày ở  bảng 3
Tỷ lệ có phôi và ấp nở của trứng gà ác (n=81 đợt)
Qua bảng 3 nhận thấy tỷ lệ có phôi của trứng gà ác cao (94,59%) nhưng tỷ lệ nở còn thấp (66,65%), tỷ lệ gà loại I cao (87,04%).
3.2.6     Xây dựng mạng lưới chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm gà ác
Đã xây dựng được 5 cơ sở nuôi gà ác tập trung có quy mô từ 50 con sinh sản trở lên ngoài ra còn có một số gia đình nuôi gà ác với số lượng ít hơn.
Đồng thời cũng đã xây dựng được mạng lưới tiêu thụ thịt gà ác bao gồm các siêu thị: Cửa Nam, Giảng Võ I, Giảng Võ II, Intimex Hanoi, Hanoi Start Mart... và một số nơi lẻ tẻ khác. Trong các năm 1996-1998 đã tiêu thụ 12.000 con/năm.
4.     Kết luận và đề nghị
Kết luận
1. Các đặc điểm về giống
- Ngoại hình và khả năng chống chịu
Gà ác có tầm vóc nhỏ, lông xước màu trắng tuyền; nhưng da thịt, xương, mỏ và chân đ đều màu đen. Gà trống có mào cờ đỏ thẫm, gà mái có mào cờ nhưng nhỏ và đỏ nhạt. Tích màu xanh, phần lớn chân có lông và 5 ngón (ngũ tráo) có một số con không có lông và 4 ngón; gà ác có thể nuôi quảng canh hoặc thâm canh, sức chống chịu cao, chịu nóng tốt nhưng chịu rét kém. Tỷ lệ nuôi sống ca đến 8 tuần tuổi 88,28%.
- Khả năng sinh trưởng và sản xuất thịt
+ Gà ác có tầm vóc nhỏ. Mức độ tăng khối lượng tuyệt đối cao nhất ở tuần tuổi thứ 9. Mức độ tăng khối lượng tương đối cao nhất ở tuần tuổi đầu tiên, sau đó giảm dần.
+ Lượng thức ăn ăn được của gà ác trong một ngày thấp. Tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối
lượng cao và tăng dần từ tuần 1 đến tuần 16.
+ Năng suất thịt ở 7 tuần tuổi thấp, tỷ lệ thân thịt không cao. Tỷ lệ thịt lườn và thịt đùi ở mức trung bình.
+ Lúc 7 tuần tuổi tỷ lệ protein, mỡ, khoáng trong thân thịt gà ác là tương tự như các giống gà nội khác, nhưng lượng axit min trong thịt gà ác cao hơn gà Ri. Đặc biệt hàm lượng sắt trong thịt gà ác cao gấp 2 lần trong thịt gà Ri (7,9% so với 3,9%).
- Khả năng sinh sản và sản xuất trứng
+ tuổi đẻ quả tnứng đầu tiên sớm.
+ Tỷ lệ đẻ thấp. Tỷ lệ đẻ cao nhất ở tháng thứ 2. Sản lượng trứng thấp.
+ Khối lượng trứng nhỏ.
+ Tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng cao.
+ Tỷ lệ lòng đỏ cao. Tỷ lệ lòng trắng thấp. Các chỉ tiêu khác về trứng nằm trong phạm vi của trứng gà nội.
+ Tỷ lệ trứng có phôi cao. Nhưng tỷ lệ ấp nở bằng phương pháp nhân tạo còn thấp. Tỷ lệ gà loại I/tổng gà nở cao.
2. Khả năng thích ứng và phương pháp sử dụng gà ác ở miền Bắc
- Khả năng thích ứng
Đặc điểm giống nói chung cũng như năng suất nói riêng của gà ác nuôi ở miền Nam và
miền Bắc là tương tự nhau. Do dó có thể thấy gà ác có nguồn gốc ở miền Nam cũng có khả năng thích ứng tốt ở miền Bắc.
- Phương thức sử dụng
Để bồi dưỡng cơ thể có thể:
+ Hầm cách thủy gà ác với 9 vị thuốc Bắc của Phòng Bào chế Viện Dược liệu Y học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh.
+ Sử dụng gà ác đóng viên dạng khô của Trạm nghiên cứu chế biến sản phẩm chăn nuôi.
Đề nghị
Cho mở rộng việc nuôi gà ác ở miền Bắc Việt Nam:
+ Xây dựng một cơ sở chọn lọc nhân giống gà ác tại Viện Chăn nuôi (trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương).
- Tiếp tục xây dựng một mạng lưới nuôi gà ác ở trong dân.
- Tiếp tục xây dựng một mạng lưới tiêu thụ gà ác qua các siêu thị và các nơi khác.
Nguyễn Văn Thiện, Nguyễn Văn Hải, Trần Thị Mai Phương, Vũ Thị Khánh Vân, Ngô Thị Kim Cúc - Viện chăn nuôi

Kỹ thuật nuôi gà ác
1. Giai đoạn 0-7 tuần tuổi:
1.1. Chuẩn bị dụng cụ và chuồng trại
* Chuồng trại: chuồng trại và dụng cụ nuôi phải được cọ rửa sạch sẽ, để trống chuồng trước khi nuôi 15 - 20 ngày và phải được xử lý theo đúng qui định về vệ sinh phòng dịch. Tường quét vôi nồng độ 40%, nền chuồng được tiêu độc bằng xút 2% với liều lượng 1 lít/m2 hoặc bằng các loại thuốc sát trùng khác.
* Máng ăn: có hai loại máng ăn: máng tròn và máng dài, ngoài ra gà con nuôi trong 28 ngày đầu phải dùng khay ăn.
- Máng dài có thiết diện hình thang, đáy nhỏ từ 5-8 cm, miệng rộng từ 7-13 cm, chiều dài của máng 1-1,5 m, cao 3-4 cm, có đế vững chắc tránh rơi vãi thức ăn.
- Máng tròn có thể bằng nhựa hoặc bằng tôn.
- Khay ăn cho gà con kích thước  60 x 80 cm, thân cao 2-3 cm, cho 90-100 gà.
* Máng uống:
- Máng tròn (gallon) gồm phần đáy và thân lắp vào nhau, làm bằng nhựa, thể tích máng tuỳ theo loại gà.
- Máng dài có độ dài tương đương với máng ăn nhưng thiết diện nhỏ hơn.
* Chụp sưởi: gà con sau khi nở chưa có khả năng điều tiết thân nhiệt, do đó phải có hệ thống lò sưởi để cung cấp nhiệt độ cho gà đến khi chúng có khả năng điều tiết được thân nhiệt phù hợp nhiệt độ môi trường. Có thể sưởi bằng điện (dây mayso và chụp sưởi) hoặc bằng đèn hồng ngoại. Tuỳ theo số lượng gà con 1 ngày tuổi, nhiệt độ chuồng nuôi mà bố trí hệ thống sưởi cho hợp lý.
* Rèm che: dùng vải bạt che bên ngoài lưới thép để giữ nhiệt độ chuồng nuôi và tránh gió lùa hoặc có thể dùng cót ép hay phên liếp.
* Quây gà: làm bằng cót ép, tấm nhựa hoặc lưới sắt, chiều cao 50-60 cm, đường kính 1,5-2 m. Quây gà dùng để úm gà con trong 14 ngày đầu. Tốt nhất mỗi quây như vậy có thể nhốt 100-130 gà con một ngày tuổi, không nên nuôi nhiều vì nếu gà bị đè, dồn đống sẽ gây chết nhiều.
* Độn chuồng: phải có khả năng hút ẩm, có thể dùng phoi bào, trấu, cỏ khô hoặc rơm khô băm nhỏ. Chất độn chuồng phải được phơi khô, phun sát trùng bằng foocmol 2%.
Giai đoạn gà con được tính từ 1-49 ngày tuổi, ở giai đoạn này các cơ quan phủ tạng nhất là bộ máy tiêu hoá chưa hoàn thiện, dạ dày cơ chưa tiêu hoá được các loại thức ăn xơ cứng, men tiêu hoá chưa đầy đủ, đặc biệt thời kỳ gà con rất nhạy cảm với điều kiện bên ngoài vì vậy phải tạo điều kiện tốt để gà phát triển nhanh và khoẻ mạnh.
1.2. Chọn gà con giống:
Chọn những con nhanh nhẹn, mắt sáng, lông bông, bụng gọn, chân mập, khối lượng gà con 20 - 22 g là đạt yêu cầu. Tránh chọn những con khô chân, vẹo mỏ, khèo chân, hở rốn.
1.3. Nhiệt độ,độ ẩm và thông thoáng:
Gà con không tự điều chỉnh thân nhiệt một cách hoàn hảo trong hai tuần đầu, do đó các bệnh đường hô hấp, tiêu hoá dễ phát sinh khi ẩm độ môi trường lên cao, vì vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ nuôi sống và khả năng sinh trưởng. Giống gà này yêu cầu nhiệt độ cao hơn so với các giống gà khác:
Yêu cầu về nhiệt độ và độ ẩm
Tuần tuổi
Nhiệt độ trong nhà (oC)
Nhiệt độ chụp sưởi (oC)
Độ ẩm tương đối (%)
1
24
32 - 33
65 - 75
2
24
31 - 32
3
23
30 - 31
4
22
29
5
21
28
> 5
20
27 - 28

Khi đủ ấm, gà nằm nghỉ rải đều từng tốp 5 - 6 con, khi thiếu nhiệt gà dồn chồng đống lên nhau, nếu thừa nhiệt, gà tản xa nguồn nhiệt, nháo nhác và khát nước.
Chuồng nuôi phải đảm bảo thông thoáng, nhưng tránh gió lùa.
1.4. ánh sáng:
Gà con cần chiếu sáng 24/24 giờ trong 3 tuần đầu, sau 4 - 6 tuần, giảm dần đến 16 giờ, từ tuần 7 - 8 tuần lợi dụng ánh sáng tự nhiên, đảm bảo cường độ ánh sáng 3 w/m2 là đủ.
1.5. Nước uống:
Cần phải cho gà uống nước sạch, tốt nhất pha 5 % đường glucoza vào nước cho gà uống trong những ngày đầu. Nước cho gà uống phải ấm. Sử dụng máng nước kiểu tự động giúp cho gà uống thuận tiện, không bị rơi vãi làm ướt chuồng. Chỉ cho gà ăn sau khi đã cho uống. Nếu thời gian chuyển gà càng lâu càng cần nhiều thời gian cho gà uống, sau khi thả gà vào quây trong 3 - 4 giờ đầu chỉ cho uống nước, chưa cho ăn.
1.6. Thức ăn:
Thức ăn phải được phối chế cân đối đảm bảo đủ dinh dưỡng cho nhu cầu phát triển của gà trong giai đoạn. Khẩu phần ăn có thể phối chế đa nguyên liệu, sử dụng thức ăn bổ sung đạm động vật, thực vật, premix khoáng vi lượng và vitamin. Không sử dụng nguyên liệu bị mốc hoặc bột cá có hàm lượng muối (NaCl) cao, sử dụng đỗ tương phải được rang chín gà mới tiêu hoá được.
Trong 3 tuần đầu dùng khay ăn để cho gà ăn. Mỗi lượt cho gà ăn chỉ cho lượng thức ăn vừa đủ. Một ngày đêm cho ăn 9-10 lượt để thức ăn luôn mới, thơm, hấp dẫn tính ngon miệng và tránh lãng phí.
1.7. Mật độ:
Nuôi nhốt với mật độ đảm bảo 10 - 15 con/m2. Ngoài ra cũng có thể nuôi theo phương thức bán thâm canh.
Đối với phương thức nuôi bán thâm canh thì các khâu chuẩn bị chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, chọn gà giống 1 ngày tuổi, nhiệt độ, ẩm độ... cũng giống như nuôi theo phương thức nhốt hoàn toàn. Đối với phương thức này cần có thêm vườn rộng để thả gà. Nên chia khu vực thả làm hai, thả luân phiên 15 ngày/ô. Mùa hè: từ 5 - 6 tuần, mùa đông: từ 8 - 9 tuần, chọn ngày đẹp trời thả gà  ra ngoài 2-3 tiếng cho tập làm quen với môi trường trong vòng 3 - 5 ngày rồi mới thả cả ngày (mùa hè thả vào buổi chiều mát, mùa đông thả lúc trưa ấm áp). Gà thả ra thường sẽ tự kiếm thêm mồi (sâu, bọ, giun, dế, thóc rơi, rau xanh...).
2. Giai đoạn gà giò, gà hậu bị: 
Giai đoạn này liên quan chặt chẽ đến khả năng sinh sản do vậy cần thực hiện nghiêm túc chế độ chăm sóc nuôi dưỡng để đảm bảo đàn giống duy trì sức khoẻ tốt, mức độ đồng đều cao.
+ Thực hiện cho gà ăn hạn chế với thức ăn có mức dinh dưỡng thấp tránh để gà béo sẽ dẫn đến ảnh hưởng về khả năng sinh sản sau này.
+ Tuân thủ mức ăn và khối lượng cơ thể được hướng dẫn theo các tuần tuổi:
Khối lượng cơ thể và định mức ăn cho gà ác giai đoạn giò và hậu bị:
Tuần tuổi
Trống
Mái
Khối lượng 
cơ thể (g)
TĂ /con/
ngày (g)
Khối lượng
cơ thể (g)
TĂ /con/
ngày (g)
8
355
35
275
30
9
400
38
310
33
10
440
43
340
38
11
500
49
380
41
12
540
52
420
43
13
580
56
450
44
14
620
59
480
46
15
670
63
520
47
16
720
64
560
48
17
760
65
600
49
18
800
65
630
49
19
-
-
-
-
20
-
-
-
-
Để cho đàn gà đồng đều khi cho ăn hạn chế cần đảm bảo 10 - 12 con/máng đối với máng dài, máng tròn 15 - 16 con/máng. Máng uống 10 - 12 con/máng. Mật độ nuôi 9 - 10 con/m2.
+ Độn chuồng: cần đảm bảo dày 6-7 cm.
+ ánh sáng: sử dụng ánh sáng tự nhiên.
- Giai đoạn này có thể kết hợp nuôi chăn thả để gà tận dụng thêm thức ăn sẵn có trong tự nhiên, gà được vận động nhiều tăng cường sức khoẻ.
- Nếu nuôi trong qui trình công nghiệp cần ngăn chặn các hiện tượng mổ, cắn nhau. Nguyên nhân của mổ cắn nhau chủ yếu là gà không được ăn đầy đủ về chất (chẳng hạn thiếu vitamin hoặc muối), thừa ánh sáng, mật độ nuôi dày trong chuồng ngột ngạt.
Những nguyên nhân trên cần xác định sớm, những con hay mổ cắn cần phải tách khỏi đàn nhốt riêng, bởi rất khó loại bỏ được tập tính mổ cắn nhau nếu nó trở thành thói quen của đàn. Những con bị mổ cũng cần được tách riêng và dùng xanhmetylen bôi vào vết mổ cắn.
Giai đoạn này liên quan chặt chẽ đến khả năng sinh sản của đàn gà. Do vậy cần chú ý đến sức khoẻ của đàn gà và mức độ đồng đều cao thì gà vào đẻ mới tốt. Gà được vận động nhiều sẽ tiêu hao nhiều năng lượng do đó tránh được hiện tượng tích mỡ, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản. Lượng thức ăn bổ sung theo phương thức bán thâm canh cho giai đoạn này bằng khoảng 60 – 80 % lượng thức ăn ở phương thức nuôi nhốt tuỳ theo nguồn thức ăn sẵn có (cho ăn 2 bữa/ngày).
- Kết quả cuối cùng của giai đoạn này là tỷ lệ gà chọn vào đẻ cao, sức khoẻ tốt.
3. Giai đoạn sinh sản:
- Chuồng nuôi: phải đảm bảo sạch sẽ, độn chuồng dày 8-10 cm bằng phoi bào hoặc trấu, có rèm che để tránh mưa hắt; ổ đẻ đổ trấu hoặc phoi bào mới dày 10-12 cm, tránh để ánh sáng chiếu trực tiếp vào ổ đẻ.
- ánh sáng: tăng độ chiếu sáng lên 16 giờ/ngày bằng cách sử dụng ánh sáng tự nhiên và nhân tạo.
+ Bắt đầu bật bóng thắp sáng từ 6 giờ chiều, cường độ ánh sáng 3 W/m2 chuồng nuôi là đủ (một bóng điện 60 W treo cao 2 m cho 20 m2 nền chuồng).
+ Để bóng điện thắp sáng chuồng nuôi đến 10 giờ tối.
- Chọn lọc gà và mật độ nuôi: chọn gà mái lên đẻ biểu hiện phát dục bằng độ sáng bóng của lông, mào, tích, bộ lông áp sát vào thân, không đưa gà khuyết tật lên đẻ. Mật độ nuôi 4 - 5 con/m2.
- Thức ăn và nước uống:
+ Thức ăn cần đảm bảo chất lượng tốt, không ôi mốc, đặc biệt cần bổ sung bột đá, bột vỏ sò nhiều gấp 2-3 lần các giai đoạn trước để gà tạo vỏ trứng. Có thể sử dụng 8-10 % thóc mầm trong thức ăn để đảm bảo khả năng sinh sản và tỷ lệ phôi.
Lượng thức ăn/ngày phụ thuộc vào tỷ lệ đẻ của đàn gà, phải tính trước 1 - 2 tuần. Khi gà đẻ cao phải tăng lượng thức ăn và ngược lại. Lượng thức ăn/ngày: gà trống 60 - 70 g/con, gà mái 40 - 57 g/con. Khi gà đẻ cao và ấp lâu cần bổ sung các loại vitamin vào nước uống.
+ Nước uống phải thường xuyên đủ và sạch, mỗi ngày thay nước 2 - 3 lần.
ở tuần tuổi này gà bắt đầu vào đẻ. Nếu nuôi chăn thả thì lượng thức ăn bổ sung cho đàn gà tăng lên 75 - 85% lượng thức ăn hàng ngày so với phương thức nuôi nhốt tuỳ theo tỷ lệ đẻ của đàn gà. Thức ăn được chia làm 2 lần/ngày sáng và chiều để tạo điều kiện cho gà hình thành trứng trong ngày. Giai đoạn này cần bổ sung thêm nhiều rau xanh cho gà để tăng thêm vitamin trong khẩu phần.
Đối với phương thức nuôi bán thâm canh cần phải áp dụng quy trình phòng bệnh bằng vắc xin cho đàn gà một cách nghiêm túc như phương thức nuôi nhốt thì mới đạt hiệu quả kinh tế cao. Riêng đối với phương thức nuôi bán thâm canh phải chú ý tẩy giun sán cho gà 4-5 tháng/lần.
Lưu ý: vào những ngày mưa ẩm không nên thả vì gà sẽ dễ bị nhiễm bệnh, trứng được lấy mỗi ngày 4 - 5 lần để đảm bảo trứng sạch và tránh bị dập vỡ. Khi gà ấp nhiều, bỏ ổ đẻ ra ngoài và thả ra bãi chăn để tránh cho gà nằm ấp dai, hao tổn thể lực, giảm năng suất trứng.
T.H - 15/1/2008

Kỹ thuật nuôi gà ác
Gà ác là loại gà dễ nuôi, lợi nhuận cao, sau 5 tuần nuôi dưỡng, gà đạt trọng lượng từ 150-200g/con. Món gà ác tiềm (tần) thuốc Bắc đang rất được thịnh hành và ưa chuộng. Quy trình nuôi gà ác như sau:
Lồng úm (nuôi gà con từ 1-5 tuần tuổi) 

Lồng úm nuôi 100 con có chiều dài 2m, rộng 1m, cao 0,5m. Lồng úm để đứng trên chân cao 0,4m hoặc cách nền 0,1m, đáy lót bằng lưới ô vuông có kích thước cỡ 1cm2, xung quanh lồng úm đóng nẹp tre, gỗ, lưới mắt cáo. Mật độ úm từ 1 ngày tuổi đến 1 tuần là 100 con/m2, từ 1-2 tuần tuổi là 50 con/m2, từ 3-5 tuần tuổi là 25 con/m2.

Chăm sóc, nuôi dưỡng 

Úm gà (từ 1-5 tuần tuổi): 

- Vệ sinh và sát trùng chuồng úm, máng ăn, máng uống 5-7 ngày trước khi đưa gà vào nuôi úm. Lót sàn chuồng úm bằng giấy báo suốt 3 ngày đầu và thay giấy mỗi ngày.

- Sưởi ấm: dùng 1 bóng đèn 75W (hay đèn dầu lớn) cho 1m2 chuồng úm trong suốt tuần đầu và che xung quanh chuồng úm. Điều chỉnh nhiệt sưởi ấm trong thời gian úm: gà con 1 ngày đến 1 tuần tuổi khoảng 34-35 độ C, từ 1 - 2 tuần là 30-31 độ C, từ 2 - 3 tuần là 28-29 độ C, từ 3-4 tuần tuổi 25-26 độ C. Nhiệt độ trong phòng để chuồng úm nên giữ điều hoà khoảng 25-28 độ C cả ngày lẫn đêm.

- Cung cấp nước cho gà con uống ngay sau khi thả gà vào chuồng úm.

- Bắt đầu cho gà ăn 2 giờ sau khi đưa gà vào úm. Thức ăn ban đầu, rải bắp hạt đã xay nhuyễn lên bề mặt của khay ăn hay giấy lót chuồng. Hôm sau cho gà ăn cám hỗn hợp, từ ngày tuổi thứ 4 mới dùng máng ăn.

Thức ăn: sử dụng 100% thức ăn công nghiệp cho gà ăn tự do từ 1 ngày tuổi đến khi xuất bán (5 tuần tuổi), với công thức thức ăn: năng lượng 2.950-3.000 Kcal, đạm 22-24%, canxi 1%, photpho 0,53%.

Ánh sáng: mở đèn chiếu vào ban đêm để kích thích gà ăn nhiều.

Phòng bệnh 

- Chủng ngừa vaccin: từ 3-5 ngày tuổi ngừa dịch tả + IB 1 liều/con, nhỏ vào mắt, từ 7-10 ngày tuổi ngừa bệnh Gumboro 1 liều/con nhỏ vào mắt; từ 10-12 ngày ngừa bệnh trái gà 1 liều/con tiêm xuyên màng cánh, từ 14-18 ngày ngừa bệnh Gumboro 1 liều/con nhỏ mắt hoặc uống, 21 ngày ngừa dịch tả + IB 1 liều/con nhỏ mắt. Chỉ chủng ngừa vaccin cho đàn gà khoẻ mạnh. Cho uống nước có pha Polyvitamine, vitamin C, hoặc chất điện giải khi chủng ngừa vaccin.

- Phòng bệnh bằng thuốc và vitamin: từ 1-4 ngày tuổi pha nước cho uống với một trong các loại kháng sinh: Tylosine 0,5g/lít, Chloramphenicol 0,2-0,3g/lít, Imequyl 0,5g/lít...

Ngừa bệnh cầu trùng bằng một trong các loại thuốc sau: Anticoc, Avicoc hay ESB với liều 1g/lít vào các thời điểm 10-13 ngày và 18-20 ngày tuổi. Pha nước với vitamin 3-5 ngày/tuần một trong các loại thuốc: Vitaperos 0,2g/lít, Solminvit 0,5g/lít, Vitalytes 0,75g/lít... Có thể trộn thuốc trong thức ăn với liều trộn trong 1kg thức ăn gấp đôi liều pha trong 1 lít nước uống. Khi thời tiết thay đổi hay di chuyển gà, cần bổ sung kháng sinh và vitamin trong thức ăn hoặc nước uống 3-5 ngày. Thường xuyên theo dõi tình trạng đàn gà để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Ngưng dùng thuốc kháng sinh trước khi thịt 1 tuần.
Báo Bắc Ninh - NNVN - 11/08/2006, NTNN, 12/1/2004


Lai tạo thành công giống gà ác chuyên trứng
Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM vừa tổ chức nghiệm thu, đánh giá cao kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu chọn lọc tạo dòng giống gà ác” của Cty Gia cầm TP. HCM do PGS. TS Trịnh Công Thành (ĐH Nông Lâm TP. HCM) làm chủ nhiệm. Đề tài thực hiện trong thời gian 3 năm (2005-2008) trên cơ sở áp dụng biện pháp thụ tinh nhân tạo trên giống gà ác, một giống gà quí hiếm, dễ nuôi, lợi nhuận cao hiện đang được nuôi nhiều để cung cấp cho món gà ác tiềm (tần) thuốc bắc đang rất được thịnh hành và ưa chuộng.
Theo PGS. TS Trịnh Công Thành, bình thường người ta để cho gà ác phối giống tự nhiên thì hiệu quả đạt thấp, tỷ lệ phối giống thành công thấp mà giống mau thoái hóa, thời gian sử dụng giống ngắn. Để khắc phục tình trạng này, đồng thời nâng cao năng suất sinh sản của gà ác (hiện tỷ lệ có phôi của trứng gà ác tuy cao-94,6%, nhưng tỷ lệ ấp nở tự nhiên lại ở mức bình thường 80-90%) đề tài sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo giúp gia tăng tỷ lệ phối và sử dụng gà tốt. Mặt khác, việc thụ tinh nhân tạo được thực hiện với một qui trình chặt chẽ, có kiểm soát tại từng lồng, chuồng cá thể nên tạo được hệ gia phả gà con thế hệ sau chính xác từ những quả trứng giống đã được đánh dấu và cho ấp nở từng cá thể riêng biệt.
Kết quả, qua 5 thế hệ chọn lọc tạo dòng, nhóm nghiên cứu đã tạo ra được 2 dòng gà ác mới là gà ác có lông chân và gà ác không có lông chân cho sản lượng trứng cao (38 con/100 con cho trứng trong khi các loại gà ác khác có tỷ lệ đẻ trứng là 29/100 con cho trứng). Tiếp tục theo dõi, nhóm tác giả nhận thấy dòng gà ác có lông chân có khuynh hướng di truyền về khả năng tăng trưởng, trong khi dòng gà ác không có lông chân lại có khuynh hướng di truyền về khả năng sinh sản tốt. Đề tài được khuyến cáo tiếp tục hoàn thiện qui trình để nhanh chóng đưa vào phục vụ sản xuất đại trà.
CÔNG HÀO - NNVN, 08/07/2008