Mô hình nuôi chim Bồ Câu làm giàu
- Ban đầu, anh Hoặc nuôi thử nghiệm 40 cặp chim bồ câu, sau thời gian chăm sóc và nhân giống, đến nay, trong chuồng nuôi của anh đã có 200 cặp chim bồ câu sinh sản,
cùng hơn 200 chim bồ câu nuôi để bán. Bồ câu anh đang nuôi thuộc giống bồ câu Pháp, là giống chuyên nuôi lấy thịt, mỗi năm mỗi cặp có thể đẻ từ 8-9 lứa, mỗi lứa đẻ 2 trứng, trọng lượng chim xuất chuồng bán lấy thịt đạt từ 350-400g, giống chim này có ưu điểm là thích ứng tốt với điều kiện khí hậu địa phương và tỷ lệ nuôi sống cao.
- Anh Hoặc cho biết, để nuôi chim bồ câu đạt hiệu quả, khâu chọn giống là quan trọng nhất, nên chọn chim bồ câu giống có lông bụng dày mượt, không có dị tật, lanh lợi. Bên cạnh đó, chuồng nuôi cần phải thông thoáng, có đủ ánh sáng mặt trời, có mái che, có ổ cho chim mái đẻ trứng, cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Nếu nuôi chim để làm giống thì tiến hành tách chim non khỏi chim mẹ khi chúng được 30 ngày tuổi, đối với nuôi chim lấy thịt là 18 ngày tuổi. Mật độ nuôi chim sinh sản 6 con/m2, chim trưởng thành 10 con/m2. Tùy thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng của chim mà có thể dùng nhiều loại thức ăn như: đậu, lúa, gạo; cần cho chúng ăn thêm thức ăn công nghiệp, nhằm bổ sung khoáng chất và vitamin; cho chim ăn 2 lần trong ngày, buổi sáng lúc 8h và buổi chiều khoảng 15h; nước uống của chim phải sạch sẽ và thay hàng ngày. Vào đêm có thời tiết lạnh, có thể lắp thêm đèn để sưởi ấm cho chim. Chim bồ câu ít bị bệnh, cần chú ý tẩy giun cho chim 2 lần/năm.
- Theo anh, chim bồ câu dễ nuôi, không tốn nhiều thời gian chăm sóc, chi phí nuôi thấp, mà lợi nhuận thu về rất khả quan. Sau 18 ngày nuôi, mỗi cặp bồ câu nuôi bán lấy thịt có giá khoảng 70.000đ, còn đối với bồ câu nuôi bán làm giống, thời gian nuôi là trên 30 ngày, mỗi cặp có giá từ 120.000 đ trở lên. Tính từ thời điểm nuôi vào tháng 10 năm 2009 đến nay, sau khi trừ chi phí, gia đình anh đã lãi hơn 35 triệu đồng từ việc bán bồ câu thịt và bồ câu giống. “ cũng nhờ nuôi chim bồ câu nên tôi mới có điều kiện sửa sang lại căn nhà, cuộc sống gia đình bây giờ đã ổn định hơn trước rất nhiều. Sắp tới, tôi sẽ mở rộng chuồng trại, tăng số lượng nuôi, phát triển nghề nuôi bồ câu theo hướng công nghiệp”, anh Hoặc nói.
- Anh cho biết thêm, hiện nay, mặt hàng bồ câu thịt đang hút hàng, sản lượng cung ứng không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Do đó, việc nhân rộng mô hình này ở xã, nhất là trong hội viên cựu chiến binh đang được quan tâm thực hiện, bước đầu kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận. Ông Nguyễn Đức Thành, chủ tịch hội cựu chiến binh xã Sơn Định, cho biết: “ hội đang khuyến khích hội viên tham gia mô hình nuôi bồ câu lấy thịt, đặc biệt hội viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, các hộ sẽ được hướng dẫn kỹ thuật nuôi và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Đây là một hướng đi phù hợp cho những hộ nghèo muốn thoát nghèo bền vững ”.
- Chọn hướng phát triển kinh tế phù hợp với nhu cầu của thị trường; dám nghĩ, dám làm, cần mẫn trong lao động đã giúp cho cựu chiến binh Nguyễn Văn Hoặc vươn lên làm giàu chính đáng.
Mô hình nuôi chim bồ câu làm giàu, Nguồn: Đài truyền thanh Chợ Lách – Bến Tre.