Khi Dông - Thỏ “kết đôi”
Đây không phải chuyện ngụ ngôn mà là tên một đề tài có thực về mô hình nuôi dông kết hợp nuôi thỏ rừng lai vừa triển khai lần đầu tại Bình Thuận…
Đề tài “Xây dựng mô hình nuôi dông kết hợp với nuôi thỏ rừng lai tại xã Thuận Hòa”, do Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh phối hợp Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hàm Thuận Bắc thực hiện. Đề tài xuất phát từ thực tế địa phương còn nhiều diện tích đất bỏ hoang do thiếu nước sản xuất, hoặc chủ yếu quanh năm chỉ trồng cây lúa nên hiệu quả kinh tế không cao. Do vậy mô hình đang được kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi cho nhiều hộ nông dân của huyện miền núi Hàm Thuận Bắc.
Qua nhiều lần khảo sát, đề tài thống nhất chọn hộ ông Hồ Minh Luân - xã Thuận Hòa để triển khai, thiết kế xây dựng mô hình với quy mô ban đầu là 1.000 m2. Theo chủ hộ được chọn thực hiện mô hình, kinh phí xây dựng chuồng nuôi dông và thỏ thương phẩm như yêu cầu khá tốn kém, gần 50.000.000 đồng. Chuồng nuôi xây xung quanh bằng gạch đất có vách cao khoảng 1,5 m, mặt trong lót thêm gạch bông để dông không thể bám leo lên thành chạy ra ngoài. Bên trong chuồng, mô hình đổ đất làm nền có độ lồi lõm khác biệt, trồng thêm những bụi cỏ voi hay cây trứng cá… nhằm tạo bóng mát cho dông và thỏ sinh trưởng tự nhiên.
Theo thiết kế này, mô hình giống như một “tiểu cảnh” của vùng rừng sinh thái. Khi thả 20 kg dông giống vào chuồng nuôi, chúng có thể lựa chọn những chỗ ẩn nấp ưng ý và tránh được tình trạng chạy tung đầu vào vách gây lở mũi, miệng. Sau thời gian ổn định nơi trú ngụ cho con dông, đề tài tiếp tục thả vào chuồng 6 con thỏ rừng lai và cũng để chúng tự tìm kiếm vị trí, làm tổ trên những mô đất… Đây quả thực là một mô hình lần đầu triển khai tại Bình Thuận. Bởi việc nuôi dông hoặc nuôi thỏ rừng lai dù đã được không ít hộ dân tham gia, nhưng chuyện “kết đôi” chung chuồng giữa hai loài này thì chưa ai nghĩ đến. Có người cho rằng nếu nuôi chung, nước tiểu của thỏ rất nặng mùi sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng đặc thù của con dông. Nhưng không, thực tế qua thời gian thực hiện đề tài cho thấy: dông lớn thì thỏ cũng lớn, thỏ đẻ thì dông cũng đẻ…
“Cặp đôi hoàn hảo”
Dông - thỏ “kết đôi”, đã đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho hộ tham gia thực hiện đề tài. Bởi nuôi chung, mô hình sẽ tiết kiệm được diện tích đất và chi phí làm chuồng cũng như công chăm sóc. Thêm vào đó, người nuôi còn có thể tận dụng thức ăn thừa của thỏ (chủ yếu rau muống) cho dông, hay ngược lại thức ăn thừa của dông (các loại lá, hoa, nụ, quả…) cho thỏ.
Qua theo dõi mô hình, việc nuôi dông kết hợp nuôi thỏ rừng lai không tốn nhiều công chăm sóc như một số loài khác. Trong đó con dông rất ít khi gặp bệnh tật, chỉ cần lưu ý đến khâu bảo vệ để không bị thất thoát do chạy ra ngoài, bị các loài vật khác bắt ăn thịt. Với thỏ rừng lai, loại này nhìn chung có sức đề kháng kém và khá nhạy cảm với ngoại cảnh nên dễ nhiễm các mầm bệnh. Tuy nhiên nếu quan tâm đến công tác phòng bệnh với phương châm thực hiện tốt theo nguyên tắc “3 sạch” (ăn sạch, ở sạch, uống sạch), đảm bảo môi trường yên tĩnh và thoáng mát thì người nuôi có thể yên tâm. Còn lại, đây có thể xem là “cặp đôi hoàn hảo” khi nuôi chung chuồng vì rất thuận lợi cho việc chăm sóc, chúng lớn nhanh và mắn đẻ. Chỉ vài tháng nuôi thử nghiệm, số thỏ trong mô hình đã tăng lên gấp 10 lần, lượng dông cũng tăng thêm khoảng 2,5 lần…
Những ngày qua, những ai đến thăm hộ ông Hồ Minh Luân tại xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc đều công nhận đây là mô hình mới và đầy tiềm năng. Bởi hiện nay, thịt dông và thỏ rừng lai là đặc sản được đa số nhà hàng, quán nhậu các nơi rất ưa chuộng nhưng trong tự nhiên đã dần cạn kiệt. Theo hộ tham gia đề tài, với giá thỏ rừng lai hiện tại bán được từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, dông thương phẩm đứng ở mức 370.000 đồng/kg, trong khi nguồn cung không đủ đáp ứng thị trường nên người nuôi nắm chắc phần thắng.
Lo đầu ra khi nuôi đại trà
Theo kế hoạch vào ngày 17/2 tới đây, UBND xã Thuận Hòa - huyện Hàm Thuận Bắc sẽ phối hợp tổ chức cho khoảng 50 hộ nông dân tham quan, học hỏi mô hình. Với hiệu quả và tiềm năng của nghề nuôi dông kết hợp nuôi thỏ rừng lai, dự kiến thời gian tới nhiều hộ dân trong xã sẽ tham gia thực hiện mô hình để tăng nguồn thu nhập. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Khang - Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa, địa phương chỉ lo nhất là đầu ra khi mô hình được nhân rộng và nuôi đại trà. Bây giờ số lượng ít nên cung không đủ cầu, nhưng nếu nhà nhà cùng tham gia nuôi dông kết hợp thỏ rừng lai, đến lúc đó biết có còn ai đến mua…
Sưu tần: Trần Hải